Chuyên gia lý giải nguyên nhân giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết
Hậu quả của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chảy máu, xuất huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng
Đây là thông tin được PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trao đổi với phóng viên bên lề Chương trình hiến máu tình nguyện “Chung dòng máu Việt 2022” diễn ra vào sáng 7/9.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tính đến thời điểm này, Thủ đô ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Tại các bệnh viện những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca trong tình trạng nặng.
Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Từ ngày thứ 4, người bệnh nên theo dõi sát sao vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm (số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể có thể gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng).
Câu hỏi được nhiều người quan tâm, vì sao sốt xuất huyết tiểu cầu lại giảm?
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150G/l bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).
Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; Tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; Tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…
“Một trong hậu quả của sốt xuất huyết là tình trạng giảm tiểu cầu. Việc đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể bị chảy máu, xuất huyết. Đây là hậu quả không phải hay gặp nhưng đôi khi gặp thậm chí với mức độ tương đối nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong trường hợp như vậy, bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu. Việc truyền tiểu cầu có chỉ định giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm nguy hiểm và trở về cuộc sống bình thường”, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.
Để có được một đơn vị tiểu cầu, trung bình cần từ 3-4 đơn vị máu toàn phần. PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh cho biết, nhờ hoạt động hiến máu tích cực trong thời gian của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, hiện tại lượng máu, các chế phẩm dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị, trong đó có sốt xuất huyết.
Việc hiến máu tình nguyện thường xuyên giúp duy trì và tăng cường lượng máu được dự trữ đều đặn, không để xảy ra thiếu máu cục bộ theo từng thời điểm.
Đánh giá cao hoạt động hiến máu tình nguyện của các doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh khẳng định, gần 100.000 đơn vị máu được hiến tặng trong hơn một thập kỷ qua là con số vô cùng ấn tượng mà không phải cơ quan, doanh nghiệp nào cũng làm được như Samsung Việt Nam.
Nguồn : https://vienhuyethoc.vn/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-giam-tieu-cau-khi-mac-sot-xuat-huyet/
Để lại ý kiến